Trường đua chó sẽ ngưng hoạt động kể từ ngày 10-03-2023 tại sân vận động Lam Sơn, P.1, TP. Vũng Tàu do hết thời gian hoạt động của dự án. Chân thành cảm ơn Quý Khách đã quan tâm và ủng hộ Chúng tôi trong suốt thời gian qua và hy vọng sẽ đón tiếp Quý Khách khi Trường đua chó có địa điểm đầu tư mới trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

 

Thông tin & sự kiện > Chi tiết

Câu chuyện ly kỳ của người nuôi chó số 1 Sài Gòn.

        Đây là một bài viết về ông Nguyễn Văn Lãng, con người huyền thoại của đất Sài Gòn. Con người này đã đạt đến "cảnh giới thượng thừa" ít nhất trên 3 lĩnh vực: số 1 về chó, số 1 về cá cảnh và số 1, nói chính xác hơn, là tổ sư của... ngành chế biến hạt điều. Hai cái số 1 sau suy cho cùng cũng từ số 1 về chó mà ra cả.

         Lần đầu tiên gặp ông, ông "khoe" với tôi là ông quen với ông Ẩn (Thiếu tướng tình báo của nước ta- là một người rất sành chó) từ đầu những năm 60. "Sự quen biết bắt đầu từ một con chó?", tôi hỏi và đoán chắc là như vậy. Ông kể, người lái máy bay cho ông Ngô Đình Diệm, tên là Phillip, có mang về Sài Gòn 4 con chó - 2 con vện, 2 con vàng. Đó là những con chó boxer đầu tiên ở Việt Nam. Trong 4 con chó đó, có một con chó đực rằn ri là đặc sắc nhất, Phillip bán cho ông Chín "họa đồ" ở tòa đô chính. Còn 3 con - 1 đực, 2 cái - bán cho ông chủ lò bánh mì Văn Lang. Khi chó của ông Văn Lang đẻ ra lứa đầu tiên, Phạm Xuân Ẩn mua 1 con, giá 10 ngàn đồng (tiền Sài Gòn lúc đó, tương đương với khoảng 5 lượng vàng). Ông Ẩn đặt tên cho con chó là CỌP. "Khi con CỌP được 10 tháng tuổi, ông Ẩn bán lại cho tôi, đúng giá gốc 10 ngàn", ông kể tiếp. "Vì sao ông Ẩn bán con chó đó cho ông, lại bán với giá gốc?". "Sau này tôi mới biết, ông Ẩn chê con chó bị défaut, răng nó bị hô. Biết được việc đó, tôi ức lắm. Tôi mà chơi thứ défaut đó sao được! Tôi mang con CỌP cho không thiếu tá Hòa (Hòa chột) ở tiểu khu Gia Định, anh ta cũng là người mê chó. Hồi đó mà biếu một con chó quý là quan trọng lắm, anh cho người ta một con chó là anh muốn gì cũng được".

          Tức vì mua con chó bị défaut của Phạm Xuân Ẩn, ông Lãng quyết mua cho bằng được con chó đực đặc sắc mà Phillip đã bán cho ông Chín "họa đồ". Ông đến gặp ông Chín, lúc đó ở 84 Bà Huyện Thanh Quan, cư xá Tây. Ông Chín nhìn ông bằng nửa con mắt: "Cậu muốn lấy con chó đó à? Nếu muốn thì đổi cho tôi một chiếc dauphine đi". Ông lạnh người, dauphine, chính là xe hơi Renault 4 CV đời mới nhất, giá 360 ngàn đồng, là cả một gia tài lúc đó. Nhưng ông không ngần ngại, chung luôn 360 ngàn để sở hữu con boxer danh tiếng nhất. Tôi thắc mắc: "Giá gốc con chó đó ông Phillip bán cho ông Chín "họa đồ" là bao nhiêu ông biết không?". Ông cười: "Không biết được, ông ta hô một chiếc dauphine thì nó là một chiếc dauphine, những chuyện khác miễn hỏi".

           Con boxer của ông lừng lẫy đến mức những con chó cái của các "đại gia" ở Sài Gòn phải đến nhà ông "xếp hàng" để lấy giống. Nó "nhảy" một lần, ông lấy 7 lượng vàng, sau này "đông khách" quá, ông giảm xuống còn 5 lượng. Con boxer lừng lẫy chưa hẳn vì giá trị thật của nó, nó lừng lẫy là do sự ngông cuồng của người chơi. Ông bảo: "Hồi ấy chơi là như vậy đó. Chỉ cần lấy được cái tiếng. Có tiếng là có tất cả". 

           Sài Gòn hồi đó hễ có nhà lầu, có xe hơi thì nhất thiết phải có berger. Berger không phải để giữ nhà mà chủ yếu là để... khoe sang. Cho nên chó càng đắt tiền, càng thời thượng. Ông không kinh doanh chó, nhưng phần nhiều những người muốn có chó sang phải đến gặp ông, ông "hô" bao nhiêu nghĩa là giá của nó bấy nhiêu.

           Một lần, viên Chánh sở Kiểm nã quan thuế toàn quốc (của chính quyền Sài Gòn cũ) thích chơi chó lạ từ bên Tây, ông ta đến gặp ông để nhờ mua một con. Ông Lãng mở tạp chí Dog World (là tạp chí chuyên về chó mà ông đặt mua thường xuyên) chỉ cho ông ta con Miracle, trong tạp chí ghi giá 2.000 USD. Ông ta đồng ý mua với giá 4.000 USD và móc tiền đưa ngay cho ông Lãng. Ông Lãng gọi điện cho người anh ruột ở Mỹ đặt mua con chó đó, hơn 1 ngày sau con chó được đưa về Sài Gòn với chi phí vận chuyển khoảng 300 USD. Viên chánh sở biết rõ giá cả nhưng không hề tiếc tiền.

           Khi Sài Gòn chiếu phim Khuyển tặc của Hồng Kông, một viên đại tá đến gặp ông, nói: "Tau muốn có một con chó trong Khuyển tặc". Chó trong phim là giống Doberman, ở Việt Nam rất hiếm, cả Sài Gòn chỉ có vài con. Ông Lãng có một con, con đó từ quân đội Mỹ thải ra ông mua được. "Lâu lâu họ lại đem bán đấu giá một, hai con, giá rất rẻ, chừng 50 -70 USD thôi. Tuy bị quân đội thải, nhưng những con chó đó vẫn rất tốt. Một con chó sợ tiếng súng hoặc chấp hành không nghiêm mệnh lệnh là đã bị thải khỏi đội quân khuyển rồi, những khiếm khuyết đó hoàn toàn không làm cho con chó bị mất giá trị trong mục đích dân sự". Ông nói với viên đại tá: "Con này rất hiếm, độc nhất vô nhị ở Sài Gòn. Tôi lấy ông 5 ngàn USD". Viên đại tá: "5 ngàn mắc quá, tôi nghe con đó giá cùng lắm là 2 hoặc 3 ngàn". Ông Lãng: "Nếu vậy đại tá đi mua chỗ khác". Hôm sau, viên đại tá mang đến đủ 5 ngàn USD để lấy con chó.

           Ông bảo do ông mua mấy con chó đắt giá nổi tiếng, nên ông đã bán được mấy trăm con cũng đắt giá nổi tiếng. "Giá trị của con chó nằm trong giá tiền của nó. Cũng con chó đó, nếu anh bán 10 lượng vàng thì nó là con chó thường, nhưng nếu anh bán 100 lượng thì nó là con chó danh tiếng. Nhưng mình phải là ai thì mới nói được 100 lượng chứ...", ông đúc kết, dường như đó là một phương châm, nghe rất đúng, rất hấp dẫn, nhưng chắc chắn là không dễ đem ra áp dụng.

Dắt không con chó của Nguyễn Cao Kỳ.

            Trong cái "nghề" này, ông Lãng rất biết người biết ta. Ông bảo, đối với chó nhỏ, nhỏ nhất là loại chó chihuahua, là loại chó "bỏ túi", xuất xứ từ Mexico, khoảng nửa cân một con, ông không chuyên. "Chuyên" về loại chó đó ở Sài Gòn có hai người, người thứ nhất là ông Lạc Cung, người Hoa, người thứ hai là một ông thầy giáo, cũng là người Hoa mà ông quên tên. Những con chihuahua đầu tiên là do hai ông này đem từ Mỹ về. "Giống chó đó được gầy ra ở Việt Nam là từ hai ông đó. Giá những con chó đó cũng rất đắt, 1 con chó con mấy ông đó bán tới 1.000 USD. Còn tôi thì số 1 về chó bự", ông Lãng phân minh.

             Boxer (mà ông Lãng có một con danh tiếng) thực ra không phải là chó thuần chủng. Nó là giống chó "nhân tạo". Người ta đã lai tạo ra nó, kết hợp giữa hai giống chó bas rouge và bulldog. Bas rouge có dáng gần giống berger, mỏ dài nhưng lông ngắn màu đen, quanh mõm và dưới chân có màu hung đỏ. Đó là giống chó thân cao, rất lanh lẹ và khá dữ. Còn bulldog là giống chó đầu bự, miệng xệ, tai to luôn luôn cụp, hai chân luôn luôn khuỳnh ra như võ sĩ. Bulldog đặc biệt dữ dằn, đã cắn là "dính chặt không nhả", nhưng nó có nhược điểm là lùn quá. Được lai tạo và trải qua một quá trình chọn lọc nhiều đời, giống chó boxer "kế thừa" được những ưu điểm và khắc phục được những nhược điểm của hai giống chó bas rouge và bulldog. Chó boxer tính đằm, không dữ dằn như hai giống kia (tuy trong nhiều trường hợp nó vẫn là con chó dữ), đặc biệt nó rất thân thiện với trẻ em, nên được nhiều người ưa chuộng để chống bắt cóc con trẻ. Để giữ được những ưu điểm của boxer, các nhà khuyển học lưu ý rằng, thỉnh thoảng chó boxer sinh ra những con chó con màu trắng hoặc đen tuyền (boxer chỉ có màu vàng hoặc vện), khi phát hiện có những con chó con như vậy dứt khoát phải giết đi, nếu không sau này những con chó đó sẽ tiếp tục lai tạo lung tung làm hỏng giống.

               Tuy nhiên, bulldog vẫn đặc biệt quý hiếm, giá cả thường đắt ít nhất là gấp đôi chó boxer, bởi giống chó này rất ít sinh sản. Thời điểm mà ông Lãng có con boxer danh tiếng nói trên, ở Việt Nam chưa có con bulldog nào. Người đầu tiên có một con bulldog là ông Nguyễn Cao Kỳ (Phó tổng thống chế độ Sài Gòn cũ).

                Ông Kỳ là người rất thích chó. Một người nào đó đã tặng ông Kỳ con bulldog, dĩ nhiên là ông ta rất khoái. Nhưng con bulldog đó cực kỳ hung dữ, ai đến gần cũng bị nó cắn. Người ta đồn rằng một lần ông Kỳ kêu lính dắt con chó đó lại gần, ông ta đã bị nó "đốp" một miếng. Ông ta chửi: "Đồ chó mất dạy" và nhắn với chú ruột của mình là cụ Đễ, nói với cụ Đễ rằng: "Chú nói thằng nào dám lại gần được con chó, tôi cho nó dắt luôn". Ông Đễ là bác sĩ thú y, rất thân với Phạm Xuân Ẩn. Trước đó, qua ông Ẩn, ông Lãng cũng có quen biết với ông Đễ.

                 Chuyện ông Nguyễn Cao Kỳ có con bulldog bất kham ông Ẩn biết rất rõ. Ông Ẩn có kể cho ông Lãng nghe chuyện ông Kỳ sẵn sàng cho chó. Ông Lãng đến gặp cụ Đễ, nói rằng mình có thể khuất phục được con chó đó. Cụ Đễ đưa ông đến nhà Nguyễn Cao Kỳ, đến thẳng chuồng chó. Ông kể: "Khi thấy tôi tiến lại gần hàng rào, con chó sủa dữ dội. Tôi tiến gần hơn, nó sủa dịu lại. Tôi tiến gần hơn nữa, nó vừa sủa vừa ngoắc đuôi. Tiến sát, nó chỉ ngoắc đuôi thân thiện. Tôi dắt luôn về. Mấy thằng lính nhìn tôi trố mắt".

                 Thấy tôi cũng trố mắt, ông Lãng cười: "Bí quyết đó rất đơn giản". Và ông thong thả giải thích: "Khi con chó cái động đực, chỗ đó của nó tiết ra một chất mà tất cả những con chó đực đều đánh hơi được. Khi động đực đến ngày thứ 9 thì chó đực cả xóm kéo đến "xếp hàng" trước cửa. Ngày thứ 9, chất đó tiết ra đậm nhất. Tôi lấy khăn mùi xoa thấm một tí, bôi lên ống quần. Vì cái mũi của chó thính gấp 10.000 lần mũi của người, nên cái quần đó dù giặt đi giặt lại nhiều lần, vẫn còn quyến rũ đối với chó đực. Tôi mặc cái quần đó đến nhà ông Kỳ...". Dĩ nhiên ông Nguyễn Cao Kỳ cũng ngạc nhiên không kém, ông ta không thể biết được con người này có "phép lạ" gì mà thuần phục ngay được con chó, nhưng ông ta giữ lời hứa, cho luôn ông Lãng con chó quý. Đó là một trong những chuyện ông Lãng thú vị nhất. "Sau vụ đó, tụi nó rất ngán tôi". "Đó là bí quyết của riêng ông ?", tôi hỏi. Ông Lãng nói: "Không. Nghề đó, mấy thằng trộm chó chuyên nghiệp đều biết cả".

                                                                                                                                                               ( Còn nữa).

                                                                                                                                                                                  Hoàng Hải Vân.
 

 

Các tin tức khác